1.Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam là một trong những vấn đề được giới khoa học Việt Nam quan tâm và thảo luận khá sôi nổi. Vấn đề được nêu lên từ năm 1955, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và kéo dài trong nhiều thập kỉ, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Cuộc tranh luận đã lôi cuốn sự tham gia của nhiều nhà sử học, dân tộc học, nghiên cứu văn hoá trong nước và một số học giả nước ngoài. Những người tham gia tranh luận đã đưa ra những mốc niên đại rất khác nhau về sự hình thành dân tộc Việt Nam, nhưng xét về mặt lí thuyết và phương pháp luận, có thể phân định làm hai giai đoạn như sau:
GS. Phan Huy Lê
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1955 cho đến khoảng năm 1965. Những người khởi xướng và đi đầu cuộc tranh luận là Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Minh Tranh, Nguyễn Lương Bích(1). Một số nhà sử học nước ngoài cũng tham gia cuộc thảo luận này như J. Chesneaux, A.A. Gouber(2). Cơ sở lí thuyết chung của giai đoạn này là đều xuất phát từ định nghĩa dân tộc của J. V. Staline được coi như một tổng kết những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân tộc. Theo Staline, "dân tộc là một cộng đồng người ổn định, được hình thành trong lịch sử dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về tâm lí biểu hiện trong cộng đồng văn hoá"(3). Tuy nhiên khi vận dụng lí thuyết này, giới khoa học phân hoá làm hai khuynh hướng:
Một khuynh hướng trung thành với định nghĩa dân tộc của Staline, cho rằng dân tộc theo định nghĩa này là dân tộc tư sản và chỉ trên cơ sở phát triển của chủ nghĩa tư bản mới có thể ra đời. ở Việt Nam, trước thời thuộc địa chỉ mới có những mầm mống tư bản chủ nghĩa và trong thời thuộc địa, chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện và phát triển rất yếu ớt nên cho đến Cách mạng tháng 8-1945, Việt Nam chưa phải là một dân tộc, nhiều lắm chỉ mới là "một dân tộc đang hình thành" (une nation en formation) chứ chưa phải là "một dân tộc đã thành hình" (une nation formée) (J. Chesneaux, A. A. Gouber).
Khuynh hướng thứ hai cho rằng tuy trong thời tiền thực dân, mầm mống tư bản chủ nghĩa còn bị hạn chế nhưng kết hợp với những điều kiện đặc thù của Việt Nam, thường nhấn mạnh yêu cầu thuỷ lợi và yêu cầu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam vẫn có thể hình thành sớm trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời (Trần Huy Liệu, Minh Tranh...). Có người mạnh dạn hơn cố chứng minh rằng trong lúc khẳng định dân tộc tư sản là sản phẩm của thời kì phát triển của chủ nghĩa tư bản, J. V. Staline vẫn cho rằng "trên thế giới có đủ loại dân tộc" nghĩa là không phủ nhận khả năng tồn tại của một loại hình dân tộc trước chủ nghĩa tư bản và dân tộc Việt Nam thuộc loại này, nhưng vẫn không dám thoát khỏi định nghĩa dân tộc của J.V. Staline (Đào Duy Anh). Nói chung, khuynh hướng thứ hai tuy muốn xuất phát từ thực tế lịch sử Việt Nam nhưng lại vận dụng lí thuyết về dân tộc tư sản để chứng minh sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam như một dân tộc trước chủ nghĩa tư bản. Ngay trong bản thân khuynh hướng này, đã bộc lộ mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa quan điểm lí thuyết và kết quả vận dụng.
Giai đoạn thứ hai từ những sau năm 1965 cho đến nay. Vào những năm 60 thế kỉ XX, ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa tổ chức nghiên cứu và thảo luận vấn đề dân tộc về mặt lí thuyết và thực tiễn(4). Định nghĩa dân tộc của J. V. Staline bị phê phán nhiều điểm và nhiều nhà khoa học cho rằng quá trình dân tộc ở các nước phương Đông hầu như chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa được khái quát đưa vào định nghĩa "dân tộc". Khuynh hướng chung của giai đoạn này là cho rằng dân tộc Việt Nam hình thành sớm, thuộc loại hình dân tộc trước dân tộc tư sản(5). Tuy nhiên, trong thảo luận vẫn còn những quan điểm và kiến giải khác nhau về mặt lí thuyết cũng như quá trình hình thành cụ thể của dân tộc Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhấn mạnh sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam và cho rằng từ thời Lí, Trần đã biểu thị rõ nét xét về phương diện "Dân tộc-Nhà nước" (Nation-Etat) cũng như "Dân tộc-Nhân dân" (Nation-Peuple)(6). Cũng trong quan niệm, nhưng có người so với "nation" phương Tây lại thấy có những nét của "một dân tộc chưa hoàn thành" (une nation inachevée)(7).
Từ những năm 90 trở lại đây, vấn đề hình dân tộc không được tiếp tục thảo luận trên diễn đàn khoa học nhưng giới khoa học gần như thống nhất cần nghiên cứu quá trình hình thành dân tộc Việt Nam trên một cơ sở lí thuyết mới thoát ra khỏi những công thức và cách vận dụng mang tính giáo điều của định nghĩa "Dân tộc = Nation" theo loại hình dân tộc tư sản phương Tây(

. Về phương diện này, từ năm 1924, Nguyễn ái Quốc từ những hiểu biết về thực tế lịch sử Việt Nam và phương Đông, đã đưa một nhận xét mang tính sáng tạo về lí luận rất sắc sảo: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên cơ sở một triết lí nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"(9). Công việc nghiên cứu và thảo luận về sự hình thành dân tộc Việt Nam gần như lâm vào tình trạng bế tắc trong một thời gian kéo dài chính là hệ quả của sự vận dụng thiếu sáng tạo lí thuyết về dân tộc theo mô hình phương Tây.